Chính phủ điện tử và Chính phủ số tại Việt Nam
Chính phủ điện tử có thể hiểu đơn giản là Chính phủ với “4 không”: Họp không gặp mặt – Xử lý văn bản không giấy – Thủ tục hành chính không tiếp xúc và cuối cùng là Thanh toán không tiền mặt. Còn Chính phủ số là Chính phủ điện tử nhưng thêm “4 có”: Có toàn bộ hành động an toàn trên môi trường số – Có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng – Có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và Có khả năng dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.
Giai đoạn đầu trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử 2014 – 2020, Việt Nam đã chứng minh được nội lực và quyết tâm mạnh mẽ khi liên tục gia tăng thứ hạng Chính phủ điện tử theo xếp hạng Liên hiệp quốc. Khởi đầu với vị trí 99 rồi leo lên 86, dần dần ghi tên mình vào những nước đang phát triển có Chính phủ điện tử ở mức cao hơn so với tầm trung của nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2020 vừa qua, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã tăng gấp 3 lần (so với năm 2019), hoàn thành chỉ tiêu được đề ra trong Nghị quyết 17 về một số nhiệm vụ và giải pháp phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020 định hướng 2025. Trong lĩnh vực này, chỉ sau hơn 1 năm triển khai, Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp hơn 2.900 thủ tục hành chính của 21 bộ và ngành cùng 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hơn 57 triệu hồ sơ đã được xử lý, góp phần tiết kiệm khoảng 8.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước mỗi năm.
So với khu vực các nước ASEAN, Việt Nam có thứ hạng 6 trên tổng số 11 quốc gia Đông Nam Á về phát triển Chính phủ điện tử. Chưa phản ảnh đúng sức cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư FDI trong khu vực, khiến chiến lược phát triển, đổi mới đất nước chưa tạo được nhiều dấu ấn rõ nét.
Đợt dịch bùng phát lần thứ 4 được xem là bước ngoặt để lại nhiều ấn tượng cho kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử. Nhiều mô hình hay, đổi mới sáng tạo góp phần không nhỏ vào quá trình phòng chống dịch bệnh. Có thể kể đến như phương thức trạm y tế lưu động; điều trị phân tầng theo mô hình tháp “3 tầng”; điều trị F0 tại nhà và hỗ trợ tư vấn từ xa; hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm ở Bắc Giang (về sau được triển khai cho TP.HCM); chương trình “Đi chợ giúp dân”, mô hình “Gian hàng 0 đồng”, ATM gạo, xe cứu thương miễn phí, tiệm cơm từ thiện; trung tâm chăm sóc trẻ em có mẹ mắc Covid-19…
Định hướng xây dựng Chính phủ điện tử và thách thức phải đối mặt
Trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số nhiệm kỳ 2021 – 2025, định hướng năm tới 2030 có 5 nhóm mục tiêu được đề ra gồm: Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội; huy động sự tham gia mạnh mẽ của toàn xã hội; tối ưu vận hành các hoạt động của cơ quan nhà nước; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội; tạo sự bứt phá trong bảng xếp hạng các quốc gia, với các mục tiêu cần đạt là đưa Việt Nam nằm trong nhóm 50 nước dẫn đầu cả về chỉ số tổng thể, chỉ số tham gia điện tử cũng như chỉ số dữ liệu mở.
Bên cạnh đó, Chiến lược cũng nêu ra 6 nhiệm vụ trọng tâm mang tính quốc gia cần sớm triển khai thực hiện. Các nhiệm vụ bao gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý – Phát triển hạ tầng số – Phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia – Phát triển dữ liệu số quốc gia – Phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia – Đảm bảo an ninh mạng quốc gia.
Chính phủ điện tử chứa 3 thành tố đó là dịch vụ công, tiếp cận thông tin và tương tác với dân. Nhiều cơ quan đã xây dựng website phục vụ cho nhu cầu giao tiếp với người dân. Tuy nhiên, ngoài website, mô hình này nên cải thiện việc tương tác với dân thông qua Email và Internet nhằm thúc đẩy họ sử dụng các dịch vụ công. Để đạt được điều đó, cần chú trọng xây dựng năng lực trong 2 lĩnh vực là bộ máy hành chính – đào tạo và hệ thống công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ hiện đại.
Dưới sự tác động mạnh mẽ từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tình hình dịch bệnh Covid-19 khó dự đoán, Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu mà mọi quốc gia trên thế giới đều phải đi theo và Việt Nam cần sớm khắc phục một số mặt hạn chế vừa nêu để có sức bền trụ vững trong cuộc chạy đua vào thế giới chuyển đổi số.
Các công nghệ mới sẽ góp phần xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tới
Nhằm tiếp tục phát huy và kế thừa những thành quả, đáp ứng nhu cầu của Chính phủ, đạt được những mục tiêu đã đề ra, trong tương lai gần Việt Nam cần hoàn thiện việc xây dựng Chính phủ điện tử. Song song đó, cần bảo đảm an ninh thông tin, an ninh mạng và tiếp tục nâng vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc cũng như góp phần vào công cuộc gia tăng các chỉ số cạnh tranh và nâng cao chỉ số phát triển của quốc gia. Giải pháp cho mục tiêu Chính phủ điện tử chính là ứng dụng mạnh mẽ các giải pháp công nghệ thông tin như trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ Cloud, Big Data, Internet vạn vật (IoT).
Trí tuệ nhân tạo AI: Ai cho phép tự động hóa đa dạng khía cạnh trong các hoạt động của chính phủ. RPA sử dụng phần mềm đặc biệt để tự động hóa công việc giấy tờ, hành chính văn thư truyền thống. Bên cạnh đó, các kênh dịch vụ trước kia của chính phủ có thể được thay thế bằng robot đàm thoại, chẳng hạn như chatbot hay các nhân tố thông minh như Siri của Apple hoặc Trợ lý ảo của Google. Các ứng dụng như vậy giúp tiết kiệm chi phí và cải tiến dịch vụ một cách đáng kể. RPA đã được áp dụng ở các chính quyền trung ương (để tính toán lợi nhuận, thuế, chống gian lận), chính quyền địa phương (báo cáo sự cố, quản lý hồ sơ, hợp đồng); lĩnh vực sức khỏe (mã hóa, chẩn đoán, xử lý xuất viện, thanh toán) và giáo dục (quản lý nhập học, thời khóa biểu, quản lý tài chính sinh viên, dữ liệu đánh giá khóa học).
Internet vạn vật (IoT): Những lợi ích to lớn của công nghệ ứng dụng IoT trong các dịch vụ công bao có thể kể đến như cải thiện hiệu quả và gia tăng tính linh hoạt của dịch vụ; giảm thiểu chi phí; nâng cao sự minh bạch và triển khai hiệu quả hơn các quy định của Chính phủ; cải thiện quy hoạch và dự báo cũng như các biện pháp an toàn về sức khỏe,… Tuy nhiên, những nghiên cứu được thực hiện ở một số quốc gia Châu Âu và Mỹ cho thấy quá trình ứng dụng công nghệ IoT trong toàn bộ chính phủ vẫn chưa được thực hiện một cách bài bản.
Công nghệ Blockchain: Blockchain sẽ giúp đăng ký, nhận dạng, xác minh và xác thực các giao dịch số. Công nghệ này được đánh giá có tiềm năng lớn để ứng dụng vào các trường hợp như hồ sơ cá nhân, đăng ký đất, quy trình quản lý chuỗi cung ứng, các quá trình quản lý hợp đồng và nhà cung cấp. Bên cạnh đó, Blockchain đã được ứng dụng trên toàn thế giới, nhất là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe chẳng hạn như quản lý dữ liệu và bảo mật; ngoài ra còn có an toàn thực phẩm, chia sẻ thông tin đa quốc gia (xác thực phương tiện, chủ xe và tài xế xuyên biên giới), xử lý an toàn và giải quyết các vấn đề bảo mật dữ liệu trong bối cảnh thành phố thông minh…
Điện toán đám mây: Đây được cho là giải pháp về hạ tầng kỹ thuật công nghệ số hiện đại nhất, cho phép Chính phủ vừa tiết kiệm chi tiêu công, vừa khai thác và bảo vệ dữ liệu hiệu quả hơn. Lợi ích kép này đạt được với hai điều kiện: Phân loại dữ liệu làm căn cứ cho việc chọn loại đám mây; Khuyến khích sử dụng đám mây công cộng một cách hợp lý. Có thể thấy, Chính phủ được phân phối và chỉ cần chi trả đúng lượng tài nguyên số cần thiết với nhu cầu sử dụng của mình và có thể bổ sung tài nguyên bất cứ khi nào phát sinh nhu cầu. Về lâu dài, việc sử dụng các dịch vụ đám mây góp phần giảm các chi phí bảo trì, bảo dưỡng hệ thống phần cứng, phần mềm.
Tuy nhiên, để góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển Chính phủ điện tử cũng hoàn thiện các thủ tục pháp lý phục vụ việc xây dựng Chính phủ điện tử, như những quy định về việc chia sẻ thông tin, bảo mật dữ liệu cá nhân… Đồng thời nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ, công chức thông qua việc chú trọng xây dựng chương trình bồi dưỡng, đào tạo kiến thức, nâng cao kỹ năng, trách nhiệm của cán bộ, viên chức trong quá trình chuyển đổi số. Ngoài ra, cần tận dụng triệt để những lợi thế sẵn có hay những thời cơ chín muồi để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số sớm đạt được mục tiêu đã đề ra. Cuối cùng, không ngừng truyền bá những đóng góp to lớn và những lợi ích tích cực mà nền Chính phủ điện tử mang lại cho người dân, giúp người dân nâng cao được nhận thức và hợp lực cùng Chính phủ.